[KINH NGHIỆM] - Cách dựng lều trại từ A-Z

Một trong những điều khiến bạn háo hức đến mất ngủ trước mỗi chuyến đi chẳng phải là những đêm nghêu ngao gảy đàn, ca hát bên nhau quanh ánh lửa hồng, dưới ánh trăng của núi rừng hay sao? Vậy thì sẽ thật thiếu sót nếu trong đoàn không có bất kì ai biết cách dựng lều sao cho đúng, phải không?
Bài viết sau sẽ giúp bạn hình dung ra phần nào những công việc phải làm để dựng được lều trại.






















I. CÁC VẬT DỤNG CẦN THIẾT CỦA LỀU BẠT VÀ CÔNG DỤNG CỦA NÓ:
1. Tấm lều (bạt):
– Chất liệu: Thường là tấm mũ, vải, nylon…
– Hình dáng: Hình chữ nhật hoặc hình vuông.
– Kích thước: Lớn hay nhỏ lệ thuộc số lượng người ở trong đó.
VD: 2m x 3m: Lều cá nhân
3m x 4m có thể ở từ 5 – 7 người.
4m x 6m có thể ở từ 8 – 10 người.
– Công dụng: Tạo thành 2 mái lều để che nắng, gió, mưa…
2. Tấm trải:
– Chất liệu: Mũ, vải, nylon, chiếu, đệm, giấy (có thể do nhiều mảnh nhỏ ghép lại).
– Hình dáng: Tương đương với tấm lều.
– Công dụng: Dùng trải dưới đất để ngồi (tấm trải thường dễ quên nên tạo không ít khó khăn trong sinh hoạt).
3.Gậy:
– Vật liệu: Có thể bằng sắt, nhôm, thép… nhưng để tiện cho việc di chuyển nên thường sử dụng bằng tầm vông vừa nhẹ vừa bền, mỗi lều bạt phải có từ 2 gậy trở lên. Nếu vùng đất trại có nhiều cây thì ta có thể tận dụng cây rừng ở đó thay cho gậy lều cũng được.
– Kích thước: Chiều cao của gậy lệ thuộc vào kích thước tấm lều, nếu tấm lều là 3m x 4m thì chiều cao của gậy phải từ 1m4 à 1m6, tấm lều 4m x 6m thì gậy phải từ 1m6 à 1m8.
– Công dụng: Cùng với tấm lều tạo không gian cần thiết cho việc trú ngụ, sinh hoạt trong lều.
4. Cọc:
– Vật liệu: Sắt, thép, nhôm, đinh, tre, gỗ… cọc lệ thuộc vào địa hình nơi dựng lều, cọc cũng có thể là 1 gốc cây, 1 cục đá, 1 rễ cây… mỗi lều bạt phải có từ 6 – 8 cọc.
– Hình dáng và kích thước: Có một đầu nhọn để đóng xuống đất, một đầu bằng để làm điểm tựa cho búa đóng, nếu đất có độ rắn cao thì mỗi cọc phải từ 20 – 30 cm, nếu độ rắn ít thì phải 30 – 40 cm, nếu là nền xi măng có thể sử dụng cọc bằng đinh 10 cm đến 15 cm. Nếu là cát nơi bãi biển nên dùng cọc gỗ dài hơn 50 cm hoặc có thể sử dụng cọc chùm (tức nhiều cọc đóng gần nhau rồi cột dây níu chúng lại với nhau để bảo đảm cho cọc chính được vững).
– Công dụng: Giữ cho lều được cố định trên các đầu gậy thông qua các dây lều.
5. Dây lều:
– Vật liệu: Dây dù, dây nylon, mũ, dây bố… thông thường hay sử dụng dây dù, nhưng dây phải có đủ độ bền, độ chịu lực cần thiết trong suốt thời gian sử dụng lều. Số lượng dây bằng số lượng cọc, nếu lều 3m x 4m phải có 2 dây cái (dây chính, mỗi dây dài từ 3m – 4m) và 4 dây con (dây phụ, mỗi dây 1m – 1m5).
– Công dụng: Cùng với cọc giữ cho tấm lều cố định trên các đầu gậy, cùng với cọc chỉnh các mái lều theo ý muốn.
6. Búa đóng:
– Vật liệu: Có thể dùng búa gỗ (tự chế) nhưng nên dùng búa sắt có đầu tà dùng để đóng, một đầu bén dùng để chặt phát hoang, tạo cọc…
7. Cuốc xẻng:
Rất thiết thực khi đi trại như dọn đất trại, đào hố xí, hố nước, rãnh thoát nước, đấp nền trại… nên sử dụng cuốc đa dạng (vừa cuốc đất, vừa làm việc khác gọn nhẹ dễ mang, cất…).
Tóm lại: Để quá trình dựng lều được nhanh, chắc, đẹp, bền và đúng kỹ thuật các bạn phải có ít nhất các vật dụng kể trên.
II. TRÌNH TỰ DỰNG VÀ THÁO LỀU:
Để dựng được lều nhanh, gọn các bạn nên tuân thủ các bước sau:
1. Chọn đất:
– Nếu đất trại do Ban tổ chức trại qui định thì phải tự khắc phục những điểm hạn chế đã có như: vệ sinh, phát hoang, nhặt sỏi đá… trước khi dựng lều.
– Nếu đất trại do tự ta chọn thì nên chọn đất có các điểm thuận lợi sau:
  • Bằng phẳng, cao ráo.
  • Không kiến, sỏi, mảnh vụn.
  • Không quá gần cây cao (vì có thể có cành mục sẽ rơi, sét đánh…).
  • Phải thoáng gió nếu hè hoặc kín gió nếu đông.
  • Gần nguồn nước sạch (tiện nấu ăn và sinh hoạt khác).
  • Gần lều Ban tổ chức, các lều bạn, sân sinh hoạt.
  • Phải có nơi tiện lợi cho việc bố trí hố xí, hố rác, nhà bếp…
2. Chọn hướng lều:
Mỗi lều bạt có 2 cửa (nơi hướng đặt gậy và dây chính của lều) tuần tự hướng lều phải bố trí theo các hướng sau đây:
  1. – Hướng của Ban tổ chức trại qui định.
  2. – Hướng về phía cột cờ trại (nếu có).
  3. – Hướng về lều của Ban tổ chức.
  4. – Hướng về sân tập trung, sinh hoạt.
  5. Nếu Ban tổ chức không qui định, thì cần chọn:
  6. – Nên tránh gió (nếu mùa lạnh), đón gió (nếu mùa hè).
  7. – Nên tránh nắng (nếu mùa nóng), đón nắng (nếu mùa đông).
3. Dựng lều (trải lều, rãi gậy, đóng cọc, cột dây, dựng lều)
– Trải lều: Trải phải thật phẳng, có tính đến hướng lều, xem kỹ mái lều mặt trái.
– Rãi gậy: Gậy được đặt ở hai đầu hướng vào lều và vuông góc với mép lều (lưu ý chiều dài của gậy cũng bằng chiều dài của khoảng cách từ chân gậy đến cọc đầu lều).
– Đóng cọc: Các cọc phải được đóng cùng lúc. Đầu tiên là cọc ở hai đầu lều (tức cọc để cột dây chính) kế đến là các cọc phụ còn lại ở 4 góc lều. Tùy theo cách dựng mà mái lều có thể cao hoặc thấp lệ thuộc vào khoảng cách đóng cọc phụ xa hay gần mép lều, các cọc phụ phải đối xứng với nhau thông qua tấm lều. Các cọc cần đóng xiên theo chiều ngược lại với lều để khi dựng lều xong các dây lều sẽ phải vuông góc với các cọc. Lúc này chỉ đóng cọc tạm khoảng 2/3 cọc.
– Cột dây:
Các nút dây tiếp xúc với lều nên cột bằng các kiểu nút: thòng lọng, thuyền chài, kéo gỗ nên cột nút sống (để sau này dễ tháo).
Các nút dây tiếp xúc với các cọc nên cột bằng các kiểu nút: nút chạy, thòng lọng tăng đơ (bắt buộc vì sẽ dùng nó để điều chỉnh lều cho hoàn chỉnh).
  • Lưu ý: Nên để thừa khoảng 1/3 dây so với dự kiến khi dựng lều xong vì lúc này mới chỉ là cột dây tạm.
– Dựng lều: Di chuyển chân gậy về nơi cần thiết của nó, đầu gậy chống đỉnh lều. Chỉnh cho 2 chân gậy và cọc chính phải nằm trên một đường thẳng. Sau đó, dùng dây của các cọc phụ chỉnh cho mái lều thẳng 2 chân gậy phải đứng thẳng (tức vuông góc với mặt đất).
  • Lưu ý:
Chỉ dùng dây phụ và cọc phụ chỉnh cho đứng gậy.
– Khi lều thẳng xong thì các cọc phải đóng sâu xuống đất (tránh vấp nguy hiểm) các dây khi cột xong phải thâu lại cho gọn, đẹp.
4. Đào rãnh, vệ sinh, trang trí lều:
– Đào rãnh: Nếu đi trại vào mùa mưa thì phải đào rãnh thoát nước xung quanh lều, đắp nền, be bờ… các rãnh phải thông nhau dẫn ra hồ chứa nước mưa theo mái lều rơi xuống.
– Vệ sinh: Cần phải làm vệ sinh trong và ngoài lều khi dựng lều xong, phát hoang, cây cỏ xung quanh lều, chặt bỏ các cành cây thòng xuống mái lều để tránh rắn vào ban đêm, tránh sét…
– Trang trí: Ngoài dựng lều, phần thủ công trại còn tính đến việc trang trí lều như phải làm cổng vào, vòng rào, bếp trại và các vật dụng khác… nó có nhiều tác dụng vừa thể hiện sự khéo léo của tập thể đồng thời cũng là việc phân định nơi ở, tránh người lạ tự ý vào…
5. Tháo và xếp lều:
  • Hạ gậy: (cho lều bớt căng, dây để dễ tháo).
  • Hạ dây: (mở hết các dây, gom lại tránh thất lạc).
  • Nhổ cọc: (kết hợp với lúc mở dây, phải nhổ hết cọc cho dù cọc không sử dụng nữa).
– Xếp lều: Nên có 2 người. Đầu tiên nắm ở 2 đỉnh lều giơ cao, giũ cho sạch bụi, rác… sau đó nắm tiếp đoạn giữa thân lều theo chiều đứng gấp đôi lều lại. Nếu vừa ý để xuống đất bắt đầu từ ngoài gấp lều lần lượt vào trong.
Chú ý: Các mép lều phải được giấu vào trong, vừa đẹp vừa dễ di chuyển đi xa.
III. MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CẦN XỬ LÝ KHI DỰNG LỀU:
* Nên:
Phải dựng lều đúng trình tự như trên, vì như thế sẽ dựng được lều nhanh, đúng kỹ thuật. Lều sẽ chắc chắn… và cũng sẽ thật nhanh khi tháo gỡ.
Nếu lều bị chùng do quá cũ nên khắc phục bằng cách làm gậy phụ.
Khi cột nút dây nên cột nút “sống” để dễ tháo, dây nên rút gọn lại, cọc phải luôn đóng sâu dưới đất. Khi hết sử dụng phải nhổ lên hết tránh va vấp cho người khác.
Bố trí đồ dùng cá nhân trong lều đúng nơi qui định. TD: Giỏ xách… để xung quanh lều, dép, giày ngoài xa cửa lều… khoảng giữa lều để sinh hoạt hội họp, nghỉ ngơi.
* Tránh:
  1. Không nấu trong lều (ngộp khói, dễ cháy…).
  2. Không ăn trong lều (kiến sẽ vào ban đêm…).
  3. Không phơi bất kỳ vật gì trên lều (làm lều nhanh chùng và mất thẩm mỹ).
  4. Không dựng lều quá gần các gốc cây to.
Cách dựng Lều Trại Sinh Hoạt – Dạng Lều Chữ “A”
1- Kiểm tra vật dụng : Vật dụng gồm :
– Hai gậy chính và tămg bạt: 1,2 m – 3 – 4 m; 1,4 m – 4 – 5 m; 1,6 m – 4 – 6 m.
– Dây : 1 sợi dây chính 12m, 6 sợi dây con 1,5m
– Cọc : 6 cọc sắt, cây … dài từ 20 – 30cm
– Tấm trải : vải bố, áo mưa nilon …
– Tăng lều : làm mái che.
– Búa, rựa, xẻng …
– Vật dụng trang trí.
2- Cách dựng lều :
Trước hết, tháo bọc đựng lều ra, cửa lều cài lại, đặt lều xoay đúng về chiến hướng đã định. Đánh dấu trước vị trí các cọc cho ngay ngắn. Sau đó đóng hờ các cọc xuống (không đóng sâu) rồi quấn các dây neo vào cọc vài dòng (chưa thắt nút) để lều khỏi bị ngả nghiêng khi ta dựng gậy chính lên.
Dựng hai gậy chính lên. Gậy chính phải vuông góc với mặt đất. Gậy và hai cọc đều phải nằm trên một đường thẳng (CDEF thẳng hàng)
Sau đó đóng 4 cọc con ở 4 góc lều, cuối cùng mới đến những cọc con ở hông lều. Các cọc phải nhắm theo đường chéo của mái lều từ phía đỉnh gậy đầu lều đối diện.
Móc dây lều vào cọc xong phải rút cho ngay ngắn. Nếu lều bị nhăn, phải sửa ngay bằng cách tăng dây cọc lều ở 4 góc. Nếu không có miếng tăng dây lều thì ta phải buộc bằng nút chạy để làm căng hoặc chùng dây dễ dàng để khi tối đến, vải lều sẽ co lại làm rách góc lều hoặc làm cọc lều bị bật tung lên.
Cọc lều phải đóng xiêng 45 độ và đóng sát mặt đất để trại sinh khỏi bị vấp.
Với cọc lớn, ngắn gặp phải đất cứng, ta có thể đóng cọc vuông góc với mặt đất.
Ở nơi đất quá mềm, cọc đóng xuống hay bị bật lên, ta có thể đóng thêm cọc phụ để khóa lại.
Theo kinh nghiệm, nếu dựng trại ở một nơi không thể kiếm đâu ra được bóng mát, ta có thể che thêm mái ngoài. Đólà lớp vải màu sáng, căng phía trên mái lều và cao hơn khoảng vài ba tấc để giữa hai lớp mái lều có một lớp không khí ngăn cách khí nóng hầm hập vào trong lều.
3- Dựng lều với một người :
Ở đất trại : Ta cắm lều chứ không được căng bừa lên. Ta xếplều cẩn thận chứ không được bó đại khái.
Dựng lều không khó nếu có nhiều người thực hiện, nhưng nếu chỉ có một người thành thạo vẫn có thể dựng được như thường, ta lần lượt làm thứ tự như sau :
1- Đóng vạt cửa lều lại, đóng 4 cọc góc sao cho ngay thành hình chữ nhật.
2- Dựng một gậy chính ngay cửa lều lên trước.
3- Đóng một cọc chính nhắm khoảng vuông góc với cửa lều và cách xa cửa lều khoảng cách bằng độ dài của thân gậy. Lều phải thật ngay ngắn, không được xiêu vẹo.
4- Dựng tiếp theo một gậy phía sau, đóng cọc chính còn lại căng dây phía sau và kéo mép đỉnh lều cho thẳng.
5- Đóng 4 cọc vào 4 góc, căng theo đừng mái hiên, căng thật thẳng để mái không nhăn, các dây căng dưới các cọc đều phải nhắm ở định gậy đối diện, dọc theo đường chéo của mái lều.
6- Đóng các cọc còn lại, mở vạt cửa lều, vào lều xếp mép rìa vào trong, trải tấm bạt lên trên.
Chú ý :
– Khi mưa, hay có gió lớn, các dây và mái lều chùng xuống, ta phải căng lại.
– Cẩn thận đối với các trại sinh hay chạy nhảy gần lều sẽ dễ bị vấp các dây căng lều : gây tai nạn, lều rách …
4- Những điều lưu ý :
1- Không nên dựng lều dưới tàn cây, vì :
– Cọc đóng xuống có thể làm đứt rễ cây.
– Khi trời hết mưa, những giọt nước to đọng trên cành lá vẫn nhỏ xuống làm dột mái.
– Cành cây khô giòn có thể rơi xuống đè lên lều.
2- Tránh cắm lều tại khu có cỏ rậm, ở đó dễ gặp rắn rết.
3- Không nên đốt lửa sưởi ấm trong lều vì có thể bị ngạt hơi và gây hỏa hoạn.
4- Tránh cắm lều gần cây cao và to đứng một mình, phòng sét đánh khi trời mưa lớn.
5- Tránh dựng lều trên những ổ kiến mối (nên đem theo DDT rải quanh hông cửa lều).
6- Tuyệt đối không được phơi quần áo ở các dây căng mái lều hoặc trên mái lều tránh làm chùng dây.
7- Không được để giày dép vào trong lều. Phải để gọn ngoài cửa lều.
8 – Không được ăn uống trong lều.
9- Đồ đạc phải được xếp gọn ghẽ, vật nào chỗ đó, sạch sẽ và ngăn nắp.

Nhận xét